Đang truy cập: 3
Hôm nay: 46
Tuần này: 217
Tháng này: 22,979
Tổng lượt truy cập: 89,309
Theo số liệu mới cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường đang là một đại dịch trên toàn cầu. Hiện nay, xấp xỉ khoảng 6% dân số thế giới hay hơn 420 triệu người bị đái tháo đường typ1 hay typ2. Số ca bị đái tháo đường gia tăng gấp 4 lần kể từ năm 1980, và căn bệnh này sẽ gia tăng tới hơn ½ tỷ người vào cuối thập niên này nếu không có các giải pháp can thiệp kịp thời. Trong khi tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm (KLN) khác đang giảm thì số ca tử vong sớm do bệnh đái tháo đường gia tăng khoảng 5% trong giai đoạn 2000-2016.
Hình ảnh lấy mãu xét nghiệm đường huyết cho bệnh nhân bị đái tháo đường
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết trong vòng 20 năm trở lại đây số ca mắc bệnh đái tháo đường gia tăng chóng mặt và tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế. Ước tính mỗi năm tăng khoảng 5,5%. Hiện nay số lượng người mắc đái tháo đường trên cả nước ước đạt 3,5 triệu và nếu không có các giải pháp ngăn chặn thì con số này sẽ gia tăng đến 6 triệu người vào năm 2040. Điều cần lưu ý lầ qua điều tra cho biết 65% số người không biết mình bị bệnh và 85% bệnh nhân chỉ biết khi mình bị các biến chứng như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng ở bàn chân…. nên nguy cơ tử vong do bệnh là rất cao.
Trước tình hình này, ngành y tế Quảng Trị đã chủ động triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tổ chức các cuộc điều tra năm 2019 trên 1200 người cho biết tỷ lệ mắc đái tháo đường là 4,1%, tiền đái tháo đường là 14,1% phù hợp với tỷ lệ mắc của quốc gia. Bên cạnh đó, kiện toàn mạng lưới lồng ghép quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tập huấn cho màng lưới y tế trong toàn tỉnh về tình hình mắc bệnh, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân tại cộng đồng. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các đối tượng đích thông qua nhiều kênh như báo, đài, họp dân, tư vấn tại các cơ sở y tế cho các bệnh nhân đái tháo đường…
Nhân viên Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị hướng dẫn người dân phòng chống các bệnh không lây nhiễm
Điều cần lưu ý hiện nay là bệnh có xu hướng trẻ hóa và các biến chứng gây ra trầm trọng do nhận biết bệnh vào giai đoạn muộn hay không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc khi bị bệnh. Do đó, khi thấy các biểu hiện bất thường như: luôn thấy đói và ăn nhiều; luôn thấy khát và uống nhiều; tiểu nhiều. Mặc dù ăn, uống nhiều nhưng người bệnh lại thấy sụt cân nhiều trong thời gian ngắn, người gầy yếu, mắt nhìn mờ, tê bì tay chân, vết thương bị nhiễm trùng lâu lành, có vấn đề về sinh hoạt tình dục, phụ nữ thường xuyên bị nhiễm nấm (viêm âm đạo)…cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm sàng lọc và điều trị.
Bệnh đái tháo đường là một bệnh không lây, diễn biến âm thầm, xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi nơi và khi bị bệnh hay các biến chứng do nó gây ra thường ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, bên cạnh các hoạt động triển khai của ngành y tế, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng tránh cho mình như:Thứ nhất, cần phòng tránh tình trạng thừa cân, béo phì: theo dõi dựa vào chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể). Cách tính: BMI = cân nặng/bình phương chiều cao (trong đó cân nặng tính bằng kg, chiều cao tính bằng mét). Chỉ số này nên giữ trong khoảng 18,5-24,9.Thứ hai, cần gia tăng hoạt động thể lực thường xuyên, tránh lối sống tĩnh tại, cụ thể: không nên ngồi, nằm xem tivi nhiều giờ liền, tập thể dục đều đặn 30-45 phút mỗi ngày. Nếu không có đủ thời gian thì cố gắng 3 lần/tuần, mỗi lần 45-60 phút…Thứ ba, cần xây dựng thói quen ăn uống tốt, dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và gia đình, hạn chế ăn quà vặt ngoài bữa chính; giảm lượng thức ăn có nhiều chất béo và đường; ăn nhiều rau, hoa quả khác nhau; tránh dùng nhiều mỡ khi chế biến thức ăn, nên chọn món luộc thay cho món chiên; hạn chế đồ uống có đường, hạn chế bia rượu; không nên ăn quá nhiều vào bữa tối…
Bệnh đái tháo đường có liên quan rất nhiều đến dinh dưỡng, vận động, lối sống của mỗi người. Vì vậy mọi người cần loại bỏ các hành vi nguy cơ có hại và thực hiện các hành vi có lợi, nhất là các hành vi về hoạt động thể lực và chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ, hợp lý là cách phòng chống bệnh đái tháo đường tốt nhất.
ThsBs Lê Thạnh - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị